Có một dạng gan nhiễm mỡ bị kích hoạt không phải do rượu, không phải do ăn uống mà do các yếu tố gây ô nhiễm trong môi trường.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ- bác sĩ Mishal Reja từ Bệnh viện Đại học Robert Wood Johnson (New Jersey, Mỹ) đã đánh giá sức khỏe của nhiều công nhân làm trong những lĩnh vực khai thác, phá dỡ, nhà máy than, cũng như nhiều công nhân tham gia dọn dẹp và phục hồi trong thảm họa ngày 11-9, qua đó phát hiện rất nhiều người phát triển chứng gan nhiễm mỡ khó hiểu.
Có những người ăn uống lành mạnh, không lạm dụng rượu vẫn bị gan nhiễm mỡ do tiếp xúc với môi trường nhiều độc tố - ảnh minh họa từ Internet
Các độc tố mà họ đã hít phải không chỉ là chất gây ung thư. Nó còn trực tiếp tác động đến hệ thống chuyển hóa và dẫn đến gan nhiễm mỡ liên quan đến độc tố (TAFLD), một dạng gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Độc tố từ môi trường bị ô nhiễm đã phá vỡ các tín hiệu nội tiết, gây tăng cân, từ đó dẫn tới tiểu đường type 2 và gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ về lâu dài có thể dẫn đến hàng loạt tình trạng đe dọa tính mạng, bao gồm xơ gan và ung thư gan.
Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với môi trường nhiều bụi bặm, ô nhiễm không khí còn có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa (như trào ngược dạ dày), rối loạn hô hấp (bệnh phổi, COPD và hen suyễn), như các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy.
Theo tiến sĩ Reja, phát hiện trên cho thấy rất cần có chiến lược quản lý tình trạng gan nhiễm mỡ ở những người đã phơi nhiễm với môi trường không khí độc hại, cũng như làm những công việc thường xuyên tiếp xúc với khói bụi. Hiện ông và các đồng nghiệp đang mở rộng nghiên cứu nhằm thống kê được tỉ lệ gan nhiễm mỡ do độc tố trong dân số.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/phat-hien-nguyen-nhan-kho-tin-gay-ra-benh-gan-nhiem-mo-20200501083934981.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét