1. Gan nhiễm mỡ nặng - giai đoạn cuối của bệnh gan nhiễm mỡ
Ở giai đoạn nhiễm mỡ nặng, lượng mỡ trong gan đã chiếm trên 25% trọng lượng lá gan. Đồng nghĩa với việc là ít nhất 25% tế bào gan đã mất, chức năng gan đã bị suy giảm nhiều, khó có thể hoạt động một cách ổn định.
Gan nhiễm mỡ là một bệnh lành tính ở những giai đoạn đầu, gan vẫn hoạt động bình thường và sức khỏe người bệnh không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên khi chuyển sang giai đoạn 3 (giai đoạn gan nhiễm mỡ nặng) thì chức năng gan đã suy giảm rõ rệt do sự chiếm chỗ của các tế bào mỡ, lúc này gan bị hạn chế trong việc thực hiện đầy đủ các chức năng của mình.
Gan nhiễm mỡ có thể do nhiều nguyên nhân: Do thói quen bia rượu, do bị các bệnh về gan (viêm gan B, C), chế độ ăn uống không khoa học (ăn nhiều dầu mỡ), lười luyện tập thể dục,…
Xem thêm>> Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ
Những biểu hiện của bệnh nhân giai đoạn gan nhiễm mỡ nặng
Trong những giai đoạn đầu của gan nhiễm mỡ, bệnh nhân không có biểu hiện gì rõ ràng, lý do là vì lúc này gan chỉ mới bị nhiễm mỡ sơ bộ, chức năng gan hoạt động khá bình thường. Đây cũng là lý do mà gan nhiễm mỡ những giai đoạn đầu rất khó phát hiện. Đến khi chuyển sang giai đoạn gan nhiễm mỡ nặng (giai đoạn cuối) thì bệnh đã trở nên nghiêm trọng, chức năng gan suy giảm rõ rệt và có những triệu chứng sau:
- Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, không muốn vận động.
- Người bệnh chán ăn, ăn ít, ăn uống khó tiêu, chướng bụng.
- Sút cân rõ rệt mà không biết được nguyên nhân.
- Sốt, vàng da, thiếu máu.
Đến khi cơ thể đã xuất hiện những triệu chứng này thì đã có một báo động về sức khỏe của người bệnh. Một khi đã chuyển sang giai đoạn gan nhiễm mỡ nặng thì đều có nguy cơ cao dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
2. Chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ
Với sự phát triển của khoa học và y học hiện đại ngày nay, người ta không chỉ chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ bằng những triệu chứng lâm sàng mà phải kết hợp, dựa trên kết quả của các phương pháp thăm dò cận lâm sàng mang tính khách quan cao hơn. Các phương pháp được áp dụng trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ bao gồm:
Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu giúp kiểm tra nồng độ mỡ trong máu, nồng độ acid uric, đường huyết,… ngoài ra còn xác định được hàm lượng hormon hay một số yếu tố khác có nguy cơ là dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ.
Siêu âm gan: siêu âm gan giúp phát hiện được sự bất thường của nhu mô tế bào gan, cũng có ý nghĩa rong chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên chỉ siêu âm gan thì khó để kết luận bệnh nhân có bị gan nhiễm mỡ hay không.
Sinh thiết gan: đây cũng là một phương pháp đem lại kết quả khá khả quan trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Bệnh nhân sẽ được lấy một mẫu tế bào gan sống để đưa đi phân tích tình trạng hoạt động của nó, dựa vào đó mà xác định được gan có hoạt động bình thường hay không.
Sau khi có kết quả của các xét nghiệm, siêu âm,... phải kết hợp với các triệu chứng lâm sàng của người bệnh để có thể đưa ra kết luận chính xác về bệnh.
Xem thêm: Những tác hại không ngờ và nguy hiểm của bệnh gan nhiễm mỡ
3. Điều trị gan nhiễm mỡ nặng
Điều trị gan nhiễm mỡ nặng như thế nào?
Đối với những người bị gan nhiễm mỡ nặng cần phải có một phác đồ điều trị hợp lý để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật.
Về chế độ ăn uống:
- Tránh việc ăn nhiều thức ăn chứa dầu, mỡ động vật.
- Không ăn thức ăn chứa nhiều cholesterol và đạm động vật.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay các chất kích thích (cà phê,…).
- Hạn chế sử dụng các thức uống nhiều đường (nước ngọt có gas, nước giải khát,…).
- Nên ăn nhiều rau xanh và các sản phẩm từ thực vật (đạm thực vật, dầu thực vật, …) sẽ giúp tăng chuyển hoá và đào thải mỡ ở gan.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất bằng cách ăn nhiều trái cây và uống nước ép trái cây, đặc biệt là nước cam, nước ép bưởi.
- Uống các loại trà giúp mát gan, giải độc, thanh lọc cơ thể như: trà atiso, trà chanh, trà gừng, trà bí đao, nước sắc cây chó đẻ,…
Về chế độ luyện tập:
- Nên dành thời gian cho việc tập thể dục hàng ngày để có được một cơ thể khoẻ mạnh, tiêu hao mỡ thừa.
- Mỗi ngày dành khoảng 30 - 60 phút để rèn luyện thân thể.
Sử dụng các thuốc và các sản phẩm bổ sung cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả nhất nhưng tuyệt đối phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nguồn:https://medlatec.vn/tin-tuc/gan-nhiem-mo-nang-va-nhung-thong-tin-khong-the-bo-qua-s62-n16641