Sau tuổi 30, các cơ quan cơ thể bắt đầu suy yếu, xuất hiện dấu hiệu lão hoá. Các chuyên gia y tế khuyến cáo những người ở độ tuổi này nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đặc biệt chú ý các hạng mục nổi bật sau đây:
1. Mật độ xương, độ chắc khỏe của xương
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, khối lượng xương ở phụ nữ đạt ngưỡng tối đa vào độ tuổi 18, đàn ông là 20, sau đó, xương tiếp tục phát triển chậm dần. Tới 30 tuổi, hàm lượng xương của cơ thể sẽ mất dần đi khoảng 1% mỗi năm, riêng xương sống mất khoảng 2% hàng năm. Bởi vậy, nếu không được quan tâm đúng mức, xương sẽ dễ bị loãng kéo theo các bệnh lý khác.
Loãng xương là vấn đề đầu tiên mà người sau 30 tuổi cần quan tâm, đặc biệt ở phụ nữ (nguồn ảnh: Internet)
Phương pháp đo mật độ xương phổ biến nhất thường được áp dụng là đo độ hấp thụ tia X tại vùng hông và cột sống. Sau khi thực hiện xét nghiệm, nếu chỉ số T của bạn nằm trong mức -1 đến +1 là bình thường, từ -1 đến -2,5 là mật độ xương thấp và từ -2,5 trở xuống là bạn đã bị loãng xương. Chỉ số T càng nhỏ, tình trạng bệnh càng nặng. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng mật độ xương ở mỗi vùng sẽ khác nhau, vì vậy bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được xét nghiệm và chắc chắn nguy cơ bệnh hiện có.
2. Tim mạch
Ở ngưỡng tuổi 30, sức khỏe của trái tim dần không còn được ổn định bởi sự suy giảm nội tiết tố và lối sống thiếu khoa học. Tim mạch suy yếu dễ dẫn đến mắc các bệnh như huyết áp, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, mệt mỏi hay nặng hơn là xơ vữa, đột quỵ… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Sức khỏe của trái tim dần suy giảm sau độ tuổi 30 (Nguồn ảnh: Internet)
Để kiểm tra độ khỏe của tim, bạn sẽ cần quan tâm đến chỉ số Cholesterol thường được đo bằng xét nghiệm sinh hoá. Nếu chỉ số LDL (cholesterol xấu) ở mức 100 - 129 mg/dL là bình thường, trong khoảng 130 - 159 mg/dL là giới hạn cao, 160 - 189 mg/dL là ở mức cao và từ 190 mg/dL trở lên là cần sự can thiệp ngay từ các chuyên gia y tế.
3. Kiểm tra chức năng tuyến giáp
Chuyên gia y tế Garth Graham - chủ tịch tổ chức Aetna Foundation - Mỹ chia sẻ rằng: "Suy giáp có thể làm tăng cân và cường giáp có thể dẫn đến các bệnh tự miễn". Bởi vậy ông khuyến cáo người sau 30 nên quan tâm đến các chức năng tuyến giáp của cơ thể.
Suy giảm tuyến giáp sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe không có triệu chứng bệnh lý rõ ràng (Nguồn ảnh: Internet)
Trong các loại sàng lọc bệnh lý tuyến giáp thì xét nghiệm Hormone TSH thông qua lấy máu là tối ưu hơn cả. Khi nhận kết quả, nếu chỉ số TSH của bạn nằm trong ngưỡng từ 0,4 đến 5 mIU/L ( milli-đơn vị quốc tế mỗi lít) là bình thường. Khi vượt ngưỡng này, bạn cần sự hỗ trợ ngay từ các bác sĩ chuyên khoa. Kể cả khi chỉ số bình thường thì bạn vẫn nên định kỳ 5 năm kiểm tra lại một lần.
4. Đái tháo đường
Nhiều nghiên cứu của giới y khoa chỉ ra rằng, có tới 20% người ở độ tuổi từ 30 trở đi mắc tiểu đường tuýp 2. Trong đó, phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới bởi phụ nữ ở độ tuổi này dễ bị rối loạn nội tiết tố, dẫn đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Phụ nữ bị PCOS có mức độ nội tiết tố nam ở ngưỡng cao và kháng insulin. Điều này dẫn tới nguy cơ mắc tiểu đường rất cao.
Cũng như nhiều căn bệnh mãn tính khác, bệnh đái tháo đường thường không có triệu chứng rõ rệt. Nếu chủ quan đợi đến lúc xuất hiện triệu chứng mới đi khám nghĩa là bạn đang tự đánh cược với tính mạng của mình. Để đảm bảo sức khỏe, bạn cần đi khám định kỳ để ngừa bệnh.
Có tới 20% người thuộc độ tuổi sau 30 mắc tiểu đường tuýp 2 (Nguồn ảnh: Internet)
Để kiểm tra bạn có bị tiểu đường không, đầu tiên bạn sẽ được thực hiện nước tiểu. Nếu kết quả bất thường, bạn sẽ được chỉ định lấy máu để kiểm tra mức đường huyết. Mức đường huyết bình thường nằm trong khoảng từ 4-6 mmol/L.
Ngoài những hạng mục này, với nữ giới, chị em nên thực hiện các xét nghiệm tế bào cổ tử cung, tuyến vú và đặc biệt là ung thư vú. Còn với cánh đàn ông, tuy các vấn đề cơ thể chưa phức tạp như chị em phụ nữ nhưng do lối sinh hoạt không lành mạnh hoặc đặc thù công việc mà vấn đề về tuyến tiền liệt, gan, phổi xuất hiện nhiều hơn cả.
Suy giảm các chức năng nam giới không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà cả hạnh phúc gia đình (Nguồn ảnh: Internet)
Trên đây là những hạng mục cần quan tâm khi thực hiện khám sức khỏe tổng quát. Hy vọng với các thông tin trên đây, độc giả có thể phần nào hiểu rõ các vấn đề sức khỏe mà mình dễ mắc phải, từ đó có phương pháp phòng tránh và cải thiện hiệu quả.
(Khám Phá)
Nguồn: 24h.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét